Lịch sử Người_Campuchia_gốc_Hoa

Lịch sử Trung cổ

Người Hoa hiện diện tại Campuchia từ thế kỷ XIII khi ngoại giao Trung Quốc Chu Đạt Quan đến thăm Campuchia. Trong thế kỷ XVI, người đi biển Bồ Đào Nha ghi nhận sự hiện diện của một vùng đất Trung Hoa tại Phnom Penh năm 1620. Người nhập cư Trung Quốc ban đầu hầu hết là đàn ông, và họ đã kết hôn với phụ nữ Khmer hoặc Chăm tại địa phương. Con cháu của họ nhanh chóng đồng hóa vào cộng đồng địa phương bằng cách tích hợp các hoạt động kinh tế và xã hội vào các xã hội nông nghiệp của người Campuchia cổ xưa. Một số con cháu là nam của người nhập cư Trung Quốc để những kiểu tóc của Trung Quốc. Hậu duệ của những người nhập cư Trung Quốc từ triều đại nhà Minh duy trì một kiểu búi tóc Trung Hoa cho đến thế kỷ thứ XVIII.[3]

Thời Pháp thuộc

Phân biệt theo nhóm phương ngữ cũng đã được người Pháp vận dụng để quản lý hành chính người Hoa tại Campuchia. Người Pháp mang theo một hệ thống do hoàng đế Gia Long (1802-1820) đặt ra để phân loại người Hoa địa phương theo khu vực xuất xứ và phương ngữ. Các nhóm này được gọi là bang (hoặc hội theo tiếng Pháp) và có những người đứng đầu của mình trong các vấn đề pháp luật, trật tự, và thu thuế.[4]

Pháp cũng thực thi một chính sách tương tự tại Campuchia.[4] Người đứng đầu bang, được gọi là ong bang, được bầu bằng phiếu phổ thông, ông ta có chức năng như một trung gian giữa các thành viên của bang và chính quyền. Những người Hoa không được chấp nhận là thành viên trong một bang đã bị các nhà chức trách Pháp trục xuất.

Sau khi độc lập

Hệ thống quản lý cộng đồng Người Campuchia gốc Hoa của Pháp đã chấm dứt vào năm 1958. Trong những năm 1960, các vấn đề của cộng đồng người Hoa có xu hướng được tự chủ, ít nhất là tại Phnôm Pênh, do Uỷ ban Bệnh viện người Hoa, một tổ chức được thiết lập để tài trợ và quản lý một bệnh viện thành lập trước đó cho cộng đồng người Hoa. Ủy ban này là sự kết hợp lớn nhất của thương nhân người Hoa ở trong nước, và theo quy định điều lệ thì tổ chức bao gồm trên mười lăm thành viên hội đồng quản trị. Trong đó, có sáu người từ nhóm Triều Châu, ba từ Quảng Đông, hai từ Phúc Kiến, hai từ Khách Gia, và hai từ Hải Nam. Hội đồng bệnh viện được thành lập với sự công nhận của lãnh đạo cộng đồng người Hoa ở Phnom Penh. Hội đồng nhà trường địa phương của người Hoa tại các thành phố và thị trấn nhỏ hơn thường được quản lý tương tự.

Năm 1971 chính phủ đã cho phép hình thành một cơ chế mới, Hiệp hội Liên minh của người Hoa tại Campuchia, tổ chức đầu tiên bao trọn các cư dân người Campuchia gốc Hoa. Theo quy chế của hiệp hội, liên minh được cho là để "hỗ trợ người Hoa trong các lĩnh vực xã hội, văn hóa, y tế cộng cộng và y tế nói chung", để quản lý tài sản thuộc sở hữu chung của cộng đồng người Hoa tại Phnom Penh và các nơi khác, và để thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa người Campuchia và người Hoa.

Lãnh đạo hiệp hội được dự kiến ​​sẽ bao gồm các nhà lãnh đạo được công nhận của cộng đồng dân tộc Trung Hoa, Liên minh được cho là có khả năng tiếp tục xu hướng này, rõ ràng là kể từ đầu những năm 1960, họ đã vượt qua được lòng trung thành với các nhóm phương ngữ trong nhiều khía cạnh của xã hội, chính trị, và các chương trình kinh tế để phục vụ cho cả cộng đồng. Nói chung, quan hệ giữa người Hoa và dân tộc Khmer là tốt. Có một số hôn nhân hỗn chủng, và một tỷ lệ khá lớn dân cư Campuchia là người lai Hoa-Khmer, những người này đã đồng hóa dễ dàng vào một trong hai cộng đồng người Hoa hoặc cộng đồng người Khmer. Willmott giả định rằng có một tầng lớp người Hoa-Khmer ưu tú đã thống trị về thương mại tại Campuchia từ thời điểm độc lập cũng như trong thời kỳ của nước Cộng hòa Khmer.

Dưới thời Khmer đỏ

Khmer Đỏ tiếp quản đất nước là thảm họa cho cộng đồng người Hoa vì nhiều lý do. Khi Khmer Đỏ chiếm một thị trấn, họ ngay lập tức phá hủy chợ địa phương. Theo Willmott, sự gián đoạn này hầu như đã loại bỏ các cửa hiệu bán lẻ và các thương nhân (gần như toàn bộ người Hoa) đã trở thành tầng lớp vô sản thành thị."[5]

Đối với người Hoa, ngoài việc kế sinh nhai của họ bị xóa sổ, họ cũng phải chịu nhiều đau khổ vì tầng lớp của họ. Họ được giáo dục tốt và chủ yếu là các thương gia thành thị, và do đó họ là những người tiêu biểu bị Khmer Đỏ ghê tởm. Người Hoa tị nạn Trung Quốc đã nói rằng họ đã cùng phải chịu đựng những đối xử tàn bạo tại các đô thị của Campuchia dưới chế độ Khmer Đỏ.

Dưới thời Cộng hòa Nhân dân Campuchia

Sau Chiến dịch phản công biên giới Tây Nam của quân đội Việt nam dẫn tới sự sụp đổ của Campuchia Dân chủ (Khmer đỏ), chính quyền Cộng hòa Nhân dân Campuchia thân Việt Nam đã bãi bỏ một số các quy tắc áp bức đối với người Hoa của chính quyền Khmer Đỏ. Báo chí tiếng Hoa đã được cho phép và lệnh cấm nói tiếng Hoa tại nhà đã được dỡ bỏ.[6] Tuy nhiên, sự nghi kị người Hoa vẫn còn do Trung Quốc lúc đó đang hỗ trơ lực lượng Khmer Đỏ, bấy giờ đổi tên thành "Quân đội Quốc gia Campuchia Dân chủ "(NADK) để chống lại Cộng hòa Nhân dân Campuchia. Các nhà quan sát vào thời điểm đó tin rằng lập trường chống Trung Quốc kéo dài của chính phủ Cộng hòa Nhân dân Campuchia và của các quan chức của họ tại Phnôm Pênh đã làm khiến không thể chắc rằng một cộng đồng người Hoa với quy mô tương tự như trước thời Khmer Đỏ có thể lại nổi lên trong tương lai gần ở Campuchia.

Các điều kiện cho người dân tộc Hoa, đã cải thiện rất nhiều dưới thời Nhà nước Campuchia, đại diện chuyển tiếp của CHND Campuchia sau năm 1989. Các hạn chế được đặt ra dần dần biến mất. Nhà nước Campuchia cho phép người Hoa tiến hành các phong tục, tín ngưỡng truyền thống và các trường ngôn ngữ Trung Quốc đã được mở cửa trở lại. Năm 1991, hai năm sau khi ra đời Nhà nước Campuchia, Tết nguyên đán của người Hoa đã chính thức được tổ chức tại Campuchia lần đầu tiên kể từ năm 1975.[7]

Những năm gần đây

Hiện người Hoa đã lấy lại được vị trí của mình trong nền kinh tế Campuchia,[8] các doanh nhân Hoa-Khmer được khuyến khích thiết lập lại các cơ sở kinh doanh trước đây của họ vốn đã bị chế độ Khmer Đỏ phá hủy. Nền kinh tế Campuchia hiện đại phụ thuộc nhiều vào những công ty của người Hoa-Khmer, những công ty này kiểm soát vốn của nền kinh tế Campuchia,[9] và họ nhận được sự hỗ trợ của những nhà lập pháp có chút ít gốc gác Hoa.[10]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Người_Campuchia_gốc_Hoa http://www.atimes.com/atimes/Southeast_Asia/EI16Ae... http://www.atimes.com/atimes/Southeast_Asia/II01Ae... http://www.infzm.com/content/trs/raw/42950 http://www.phnompenhpost.com/TXT/letters/l1402-2.h... http://www.qingdaonews.com/big5/content/2003-08/13... http://www.reuters.com/article/newsOne/idUSBKK6988... http://news.sohu.com/20060613/n243702173.shtml http://www.tulsaworld.com/TWPDFs/2004/Final/A_2_1_... http://news.xinhuanet.com/english/2008-06/07/conte... http://www.seasite.niu.edu/khmer/Ledgerwood/Part4....